Nông trường II

     Đ/C : Xã Lộc Tấn – Huyện Lộc Ninh – Tỉnh BP
     Tổng số CB CNV: 365 người
     Diện tích vườn cây: 2.031,75 ha
     Diện tích cao su khai thác: 1.332,54 ha, KTCB: 631,72 ha, TC-TM: 101,39 ha
     Diện tích rừng: 35,54 ha
     Tổng số đơn vị trực thuộc: 12 tổ (09 tổ khai thác, 03 tổ KTCB)

     Tiếp quản diện tích cao su manh mún năm 1972 do Pháp để lại, đến năm 1980 lấy tên là Nông trường Lộc Tấn trực thuộc công ty. Năm 1987 Công ty Cao su Lộc Ninh xóa bỏ cấp nông trường cho nên Nông Trường Lộc Tấn trở thành đội trực thuộc. Cho đến năm 1999 mới tái lập Nông trường và lấy tên là Nông Trường II cho đến ngày nay. Với diện tích 2.031,75 ha trải dài trên địa bàn 4 xã Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc Thạnh, Lộc An thuộc Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước, hiện nay Nông trường II có nhiệm vụ chính là trồng, chăm sóc, khai khác và sản xuất giống cao su.

     Nông trường II nằm trên vùng biên giới giáp với Campuchia, đa số vườn cây nằm bao bọc, xen kẽ với khu dân cư của 4 xã, 18 ấp nên việc bảo vệ vườn cây, bảo vệ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích vườn cây khai thác của nông trường quản lý rộng, mất độ cây cạo thấp, trong đó diện tích vườn cây trồng năm 1995 – 1996 trồng dặm năm thứ 2 và thứ 3 chiếm 25% nên vòng thân cây cạo chỉ đạt từ 45 đến 60 cm đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng vườn cây.

     Khó khăn là vậy nhưng hầu hết các năm nông trường đều đạt kế hoạch Công ty giao. Nhờ những biện pháp như sắp xếp lại vườn cây hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào vườn cây, tăng cườn lực lượng bảo vệ, kết hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền giáo dục người dân không vào lô lấy mủ… nên từ năm 2007 đến nay nông trường II luôn đạt năng suất bình quên trên 2 tấn/ha. Bên cạnh công tác sản xuất, công tác chăm lo đời sống công nhân được đảm bảo ở mức tốt nhất, lương bình quân năm sau luôn cao hơn năm trước. Hầu hết, thu nhập và đời sống của CB CNV nông trường đã nâng lên rõ rệt. Ngoài thu nhập từ tiền lương hàng tháng, công nhân còn làm thêm kinh tế phụ gia đình, vì vậy tính đến thời điểm này 100% gia đình công nhân đã có thu nhập ổn định.

     Ban lãnh đạo nông trường xác định rõ công tác dân chủ cơ sở là một trong những điều quan trọng trong công tác quản lý nhằm thực hiện chiếc cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo Nông trường. Trong thời gian qua lãnh đạo Nông trường thường xuyên phối hợp với các đoàn thể kiểm tra định kỳ về việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai nội quy, quy chế, chế độ chính sách, an toàn lao động, công khai tài chính thực hiện bữa ăn giữa ca và độc hại. Qua các đợt kiểm tra giúp các đội sản xuất kịp thời khắc phục các yếu kém, phát huy những mặt mạnh của đơn vị. Bên cạnh đó Nông trường thực hiện thường xuyên tiếp xúc với công nhân để lắng nghe các ý kiến của công nhân để kịp thời giải quyết thắc mắc, nguyện vọng của CB CNV. Nhờ thực hiện công khai dân chủ các quy định, quy chế nên hầu như Nông trường không có trường hợp khiếu nại nào phải giải quyết.

     Khắc phục khó khăn, nông trường không ngừng lớn mạnh trong công tác quản lý cũng như công tác thâm canh chăm sóc và khai thác, bảo vệ cao su. Về năng suất vườn cây đạt 2 tấn/ha. Đặc biệt, trong lĩnh vực tái canh, nhờ có sự chăm sóc và quản lý tốt nên những diện tích cao su trồng những năm gần đây đưa vào khai thác sớm hơn quy định 1 năm là 100% diện tích tái canh.