CÔNG NHÂN KHAI THÁC LƯƠNG THỊ NHỊ "CAO SU LÀ NGUỒN SỐNG CỦA GIA ĐÌNH"

     Cán đích với con số ấn tượng 119 ngày, chị Lương Thị Nhị Tổ 1- Đội 4 - Nông trường V (NT) trở thành công nhân khai thác về thứ nhì của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh trong đợt thi đua nước rút 3 tháng cuối năm 2015. Chị trở thành 1 trong 113 công nhân hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 60 ngày.

     ẤN TƯỢNG THÁNG 9

     Những ngày cuối tháng 12, thời điểm toàn ngành cao su bước vào giai đoạn tổng kết một năm sản xuất - kinh doanh để chào đón xuân mới 2016, chúng tôi đã có dịp gặp lại công nhân khai thác Lương Thị Nhị. 8 năm làm nghề khai thác mủ (2007), chị Nhị luôn là lao động xuất sắc, công nhân cạo giỏi của nông trường. Năm nào chị Nhị cũng hoàn thành kế hoạch 10 - 15 ngày. Năm 2015 chị Nhị nhận kế hoạch sản lượng là 5.727 tấn. Đến ngày 3/9/2015 chị đã hoàn thành 6.265,338 tấn, đạt 109,4%. Đến hết tháng 12, chị Nhị khai thác được 8.747 tấn mủ, đạt 152,7%. Tỷ lệ mủ tạp là 46,4%.


Chị Lương Thị Nhị bên vườn cây khai thác

     Ngày 17/11/2015, chị vinh dự cùng với 10 công nhân nông trường được Công đoàn công ty, Ban lãnh đạo Nông trường V khen thưởng ngay tại lộ. Chị Nhị lộ rỏ niềm vui khi đây là cũng là lần thứ hai trong 8 năm gắn với nghiệp cao su chị về đích trước 90 ngày. Chính vì vậy tháng 09 là tháng ấn tượng nhất mà đời công nhân cao su như chị nhớ mãi.

 

     Chúng tôi cũng có dịp gặp con trai chị Nhị là em Đỗ Minh Tiến (hiện là công nhân khai thác mủ cùng đội). Năm 2011 khi 17 tuổi, Tiến đã bỏ dở việc học để cùng mẹ làm nghề khai thác mủ. Mới vào nghề nhưng Tiến luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm. Năm 2015, Tiến được giao khai thác 5.163 tấn mủ. Đến hết tháng 12/2015, Tiến đã khai thác 6.894 tấn, đạt 133,5%. Tỷ lệ mủ tạp 30,6%. Em cũng đã vinh dự được Đoàn thanh niên công ty, lãnh đạo nông trường khen thưởng hoàn thành kế hoạch sản lượng vào ngày 7/11/2015.

     Ông Phan Văn Hòa - Chủ tịch Công đoàn Nông trường V cho biết: Năm 2015, giá cao su liên tục giảm nhưng lãnh đạo Nông trường V luôn đến từng lô động viên tinh thần công nhân. Những công nhân điển hình trong phong trào thi đua như chị Nhị đã góp phần rất lớn cho nông trường nói riêng và công ty nói chung vào thời điểm khó khăn như hiện nay.                Năm 2015, Nông trường V có 4 công nhân về trước 90 ngày, 6 công nhân hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 60 ngày. So với năm 2014, nông trường tăng 3 công nhân về trước 90 ngày và 1 công nhân về trước 60 ngày. Ngoài công nhân Lương Thị Nhị, nông trường còn có 3 công nhân về các ngày 1, 23 và 29/9 đứng đầu toàn công ty.  Ông Hòa chia sẻ.

     NGUỒN SỐNG LÀ NHỜ CAO SU

     Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng năm 2012 trị giá 400 triệu đồng, chị Nhị  hồ hởi: Tiện nghị sinh hoạt cơ bản gia đình tôi đều sắm đủ. Căn nhà cất trên miếng đất chỉ 250m2 được mua từ năm 2006. Tất cả đều nhờ tích cóp từ tiền lương khai thác cao su mà có. Năm 2015, lương bình quân trong 10 tháng của hai mẹ con chị Nhị khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Có thời điểm như năm 2011 khi giá mủ lên cao, lương hai mẹ con lãnh lên đến 27 - 28 triệu một tháng. Nhờ đó mà mẹ con tích cóp  và xây dựng được cơ ngơi khang trang như hôm nay.

     Hướng mắt xa xăm, với chất giọng đậm chất Quảng Bình chị Nhị bồi hồi kể cho tôi nghe về chặn đường gian truân, vất vả mà chị và con trai duy nhất đã trải qua. Năm 2002 gẫy gánh trên đường duyên nợ, chị Nhị ẵm con trai Đỗ Minh Tiến (1994) vào Nam sinh sống. Ấp 6 xã Thiện Hưng (Bù Đốp - Bình Phước) trở thành quê hương thứ hai của đời chị.

     Khi mới vào lập nghiệp, chị Nhị và con phải ở trọ và xin làm công nhân trồng mới Nông trường V. Một năm sau, thấy hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo nông trường cho chị ở nhờ nhà tập thể Đội 3. Năm 2007 chị chính thức trở thành công nhân khai thác mủ cho nông trường. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó dành dụm, năm 2006 chị Nhị đã mua được mảnh đất gần nông trường.

     Theo chị Nhị cho biết: Nghề cạo mủ đòi hỏi tính chịu khó và phải chắt chiu từng giọt mủ. Vào thời điểm mùa mưa là vất vả nhất. Công nhân khai thác mủ nói chung và bản thân chị nói riêng phải “giành giật” với ông trời từng giọt mủ.

     “Có lúc mưa lớn, tôi phải tát nước trong tô rồi chờ hứng những giọt mủ cuối cùng để hôm sau tận thu làm mủ tạp. Vất vả nhưng bản thân luôn cố gắng hết mình, vì cao su chính là nguồn sống của gia đình tôi”. Chị Nhị nhìn tôi cười, đôi mắt ánh lên niềm tự hào. 

Nguồn: Đức Trọng - P.TĐTT-VT