KÍ ỨC ĐẠI ĐỘI 31 TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CỦA CON EM CÔNG TRA CAO SU LỘC NINH

     Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) được giải phóng ngày 07/04/1972 và trở thành Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Thành tích của Đảng bộ, nhân dân nơi đây phải kể đến Đại đội bộ binh 31 (C31) - Ban chỉ huy Quân sự Huyện Lộc Ninh một đơn vị có đến 80% là con em của những công nhân cao su từng làm công tra thời Pháp thuộc. Kế thừa truyền thống đấu tranh Cách mạng của cha ông, những chiến sĩ C31 đã làm nên một trang sử hào hùng, góp công giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/04/1975.

     RA ĐỜI TRONG BÃO TÁP

     Sau khi trồng cao su, thành lập đồn điền, thực dân Pháp đã tuyển mộ hàng ngàn người dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào làm công tra tại Lộc Ninh (nay là Huyện Lộc Ninh - Bình Phước). Từ những năm 1930 công nhân cao su nói chung và công nhân Đồn điền CEXO Lộc Ninh nói riêng không cam chịu cảnh lầm than cơ cực, đói khát, bệnh tật đã đứng lên đấu tranh chống cúp phạt lương, giảm giờ làm, đánh đập... Phong trào đấu tranh của công nhân cao su ngày càng mạnh mẽ tạo tiền đề cho thắng lợi Cách mạng, buộc thực dân Pháp phải rời khỏi Việt Nam năm 1954. Kế thừa truyền thống đấu tranh Cách mạng của cha ông, những con em công nhân cao su lại tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ khi tuổi đời còn rất trẻ.

     C31 là đơn vị được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” Lộc Ninh các năm 1969, 1979 sau khi trải qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và tăng cường cho chiến trường Tây Nam. C31 được thành lập sau chiến thắng liên tiếp của du kích Huyện Lộc Ninh vào trung tuần tháng 04/1968. C31 là tên được lấy sau trận đại thắng quân Bảo An của lực lượng du kích địa phương tại dốc lô C cao su số 31. Từ đó, C31 trở thành đơn vị vũ trang chủ lực của Huyện đội Lộc Ninh với 108 cán bộ, chiến sĩ. Giai đoạn 1968 - 1972, hàng trăm chiến sĩ C31 đã ngã xuống để bảo vệ quê hương và giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh ngày 07/04/1972. Giai đoạn 1972 - 1975, C31 tăng cường đánh nhiều trận lớn tại Bình Long góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Năm 1978, C31 lại tiếp tục được chi viện cho chiến trường Campuchia, giúp nước bạn thoát họa diệt chủng Pôn Pốt - Iêngsari. Ông Nguyễn Văn Kinh (1948) - cựu chiến sĩ C31 nhớ lại.

     Ông Vũ Văn Đàm (1945) - Trưởng ban liên lạc cựu chiến sĩ C31 tự hào cho biết: Buổi đầu thành lập, C31 được biên chế thành 4 trung đội, tuổi đời chỉ từ 15 - 20. Dốc 31 là địa danh không có tên trong bản đồ quân sự Việt Nam nhưng nhắc đến C31 là quân địch khiếp sợ và truyền tai nhau “muốn chết thì đến Làng 2”. Tiêu biểu là trận đánh tại dốc 31 ngày 23/08/1968 tiêu diệt một Tiểu đoàn  lính Mỹ thuộc Trung đoàn số 2 - Sư đoàn “ Anh cả đỏ”, loại 400 lính Mỹ, bắt 02 tù binh, tịch thu nhiều vũ khí, đạn dược…

     Ông Vũ Văn Đàm (thương binh 2/4) và ông Nguyễn Văn Kinh (thương binh 3/4) là 2 trong hàng trăm người con đã kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh của những công tra cao su.  Hai ông là con của ông Vũ Văn Hợi và ông Nguyễn Văn Chước từng làm công nhân cho Đồn điền CEXO giai đoạn 1936 - 1941. Sau khi thoát li tham gia cách mạng từ 1941, năm 1973 ông Hợi và ông Chước được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Đàm và ông Kinh là 19 trong tổng số 108 chiến sĩ C31 ngày mới thành lập còn sống đến hôm nay.


Ô. Vũ Văn Đàm (bìa trái) và Ô. Nguyễn Văn Kinh thế hệ kế thừa truyền thống
Cách mạng của cha từng công nhân công tra cao su 

     Trong kháng chiến chống Mỹ, C31 có nhiệm vụ đánh địch càn quét, bảo vệ khu căn cứ, kho tàng và các vùng giải phóng, hỗ trợ các phong trào chính trị, kết hợp với các ban, ngành làm tốt công tác dân vận, địch vận, phát động phong trào quần chúng đấu tranh chính trị, diệt ác, phá kìm, chống bình định. Đồng thời, Đại đội còn là đơn vị đánh địch trên các trục lộ giao thông, chủ yếu là quốc lộ 13 nhằm làm tiêu hao sinh lực và phương tiện của địch (đường 13 trở thành con đường máu của Mỹ - Ngụy).

     Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, C31 là đơn vị chủ lực trong Tiểu đoàn bộ binh 301 của tỉnh. Trong hai năm 1978 - 1979, đơn vị tham gia chiến đấu nhiều trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh khác.

     Năm 2010, UBND Huyện Lộc Ninh đã xây dựng công trình Bia chiến thắng Dốc 31 tại điểm Dốc 31 thuộc Làng 2, xã Lộc Thuận nằm đối diện Văn phòng đội 2 Nông trường 3, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh ngày nay. Bia chiến thắng được xây dựng để ghi lại những chiến công hào hùng, đấu tranh và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ thuộc C31, lực lượng vũ trang quân chủ lực Miền cùng với quân dân Huyện Lộc Ninh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.


Bia chiến thắng Dốc 31 được đặt đối diện Văn phòng đội 2 - NT III Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh 

     NHỚ NGÀY 05/04/1972…

     Ngày 07/04/1972, Huyện Lộc Ninh được giải phóng làm bàn đạp cho Cách mạng xây dựng củng cố căn cứ Chỉ huy Miền tiếp tục giải phóng các huyện lận cận các tỉnh Bình Long, Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) cho đến khi miền Nam hoàn toàn thống nhất. Để giải phóng Lộc Ninh, trước đó ngày 05/04/1972 đã trở thành ngày đau thương nhất của chiến sĩ C31.

     Ông Vũ Văn Đàm - Trưởng ban liên lạc Cựu C31 hồi tưởng: Trong số các chỉ huy có Đại đội trưởng Danh Sơn (dân tộc Khơme, quê ở Trà Vinh) là người trực tiếp chỉ huy trận đánh lịch sử ngày 05/04/1972 khu vực đồi Go - lơ (xã Lộc Khánh) mở đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh. Đó cũng là trận đánh mà C31 chịu thiệt hại nhiều nhất với 24 đồng đội hy sinh và bị thương, trong đó có 1 huyện đội phó; 11 người phải bỏ xác tại trận địa vì hỏa lực của địch quá mạnh. Riêng Đại đội trưởng Danh Sơn bị thương nặng đã tự sát để không bị địch bắt.

     Để tưởng nhớ đến anh em chiến sĩ hy sinh, từ năm 2004 một số cựu chiến binh đã thành lập Ban liên lạc Cựu C31 và thống nhất lấy  ngày 05/04 là ngày họp mặt hằng năm. Ông Nguyễn Văn Thanh - chiến sĩ C31 giai đoạn 1972 cho biết: Ban đầu thành lập, Ban liên lạc chọn nhà tôi làm nơi họp mặt. Và cứ thế mỗi năm nhà nào có điều kiện lại tổ chức họp…Ở Ban liên lạc, cựu chiến sĩ C31 đã đóng góp xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội, giúp đở những đồng chí còn khó khăn trong cuộc sống.

     Năm 2013, bia chiến thắng Dốc 31 đã được UBND tỉnh Bình Phước ký Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Bia chiến thắng Dốc 31 được xếp hạng là sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công lao của các chiến sĩ C31, nhân dân Làng 2 nói riêng, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nói chung  Lộc Ninh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

     Từ năm 2011, tại di tích địa điểm chiến thắng Dốc 31, vào ngày 05/04 đã trở thành ngày truyền thống các thế hệ bộ đội C31 gặp gỡ, thắp nén nhang tưởng nhớ đến đồng đội vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ, đồng thời thăm hỏi, thể hiện tinh thần tương thân tương ái với đồng đội bị ốm đau, bệnh tật, qua đời vừa mất hoặc có hoàn cảnh khó khăn.


Cựu chiến binh C31 thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Bia chiến thắng 

     Thành lập từ những ngày tháng vô cùng ác liệt, trưởng thành trong khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những cựu chiến binh C31 luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quân và dân huyện Lộc Ninh; tự hào là con em kế thừa tinh thần đấu tranh bất khuất của công nhân cao su làm công tra và đấu tranh tại Đồn điền CEXO thời Pháp thuộc.

     Ông Trương Đình Ân - Đội trưởng đội 2, Nông trường III (Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh) tự hào: Các bác, các cô chú cựu chiến binh C31 đã góp phần khẳng định vị trí lịch sử của huyện Lộc Ninh, tôn vinh các giá trị truyền thống cách mạng của dân tộc, khẳng định tầm vóc lịch sử của quê hương Lộc Ninh anh hùng.  Đặc biệt là đã phát huy được tinh thần đấu tranh bất khuất vì mục tiêu độc lập dân tộc của thế hệ những người từng làm công tra cho Đồn điền CEXO trước đây. Hằng năm vào ngày 05/04, khi Cựu chiến binh C31 họp tại Bia chiến thắng Dốc 31, Ban lãnh đạo Nông trường, Văn phòng đội 2 đều đến viếng, đặt vòng hoa tươi thắm nhất để tưởng nhớ, tri ân hương hồn các liệt sĩ C31. Văn phòng Đội 2 còn thường xuyên trông nom, quét dọn khu vực Bia chiến thắng, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp xứng đáng với tầm vóc của một di tích lịch sử cấp tỉnh. 

Nguồn: Đức Trọng - PTĐTV-VT