TỔ HIẾN MÁU GIA ĐÌNH

     "Cả gia đình, anh chị, con cháu 15 người đều tham gia hiến máu tình nguyện định kỳ. Đặc biệt, nếu có nhu cầu cần máu cứu người đúng nhóm máu, chúng tôi sẽ điện thoại ngay cho gia đình chị ấy 24/24 giờ…”. Ông Phan Văn Hòa - Chủ tịch Công đoàn Nông trường V (Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh) chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi về chị Phan Thị Tâm, nhân viên Đội 2 của nông trường người đang đứng đầu hiến máu tình nguyện ở huyện Bù Đốp (Bình Phước).

     KHÔNG CÓ VẬT CHẤT THÌ ĐÃ CÓ MÁU

     Đi qua vài con đường ngoằn ngoèo khoảng 5 km từ trung tâm huyện Bù Đốp, dò hỏi nhiều người cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà chị Phan Thị Tâm, ở Ấp 7 xã Thiện Hưng. Ở cái tuổi 50, chị còn rất khỏe, hoạt bát, vui vẻ lắm. Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 2007, Bằng khen, Giấy khen, Kỹ niệm chương về hiến máu nhân đạo…được chị Tâm treo rất trịnh trọng.

     Kể về quá trình hiến máu cứu người, chị Tâm chia sẻ: “Hồi trước, chị nghe kể về một trường hợp tai nạn giao thông nhưng thiếu nguồn máu cứu chữa, chị thấy áy náy. Từ đó ý định hiến máu cứu người trong chị bắt đầu trỗi dậy. Nhà  nghèo, nên chỉ có thể giúp xã hội bằng cách tham gia đi hiến máu tình nguyện. Cứ thế, bẵn đi đã 14 năm, qua 30 lần hiến máu tình nguyện, giờ đây chị luôn xem hiến máu là một trong những công việc của mình”.


Chị Phan Thị Tâm luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào

     Chị Phan Thị Tâm (1966) quê ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vào Ấp 7, Thiện Hưng lập nghiệp từ những năm 1984. Khi ấy khó khăn chồng chất, số tiền tích cóp chỉ mua được miếng đất nhỏ đủ làm nhà tạm. Hai vợ chồng đi mót mì, làm thuê kiếm sống. Sau đó chị xin vào làm công nhân trồng mới Nông trường V.

     Gia đình chị có 4 người thì có đến 3 người đều tham gia hiến máu. Riêng chồng chị, anh Bùi Quang Đức nhiều lần đăng ký nhưng do cao huyết áp nên không thể hiến máu. “Ổng đi đăng ký, khám xong bác sỹ không cho lấy máu, ổng ấm ức lắm, cứ càu nhàu mãi…”. Chị Tâm vừa cười vừa kể về chồng mình.

     Khi cuộc sống trước đây gặp nhiều khó khăn, nhưng chị chưa bao giờ cho phép mình ngưng việc hiến máu cứu người. Mỗi lần hiến máu là chị luôn tâm niệm, trong bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân đang cần những giọt máu của mình. Nếu thiếu máu, họ sẽ không bao giờ khỏi bệnh hoặc có thể sẽ mất đi cơ hội sống.

     Ông Phan Văn Hòa - Chủ tịch Công đoàn Nông trường V cho biết: Những năm qua, cán bộ, công nhân viên - lao động nông trường luôn tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Gia đình chị Tâm là điển hình nhất của đơn vị trong công tác này. Trong công việc ở đơn vị hay gia đình chị đều vun vén chu toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm.

     NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

     Năm 2010 khi đang là Tổ trưởng cạo mủ Đội 2, trong giờ đi kiểm tra kỹ thuật, khoảng 10 giờ trưa, chị nhớ huyện Bù Đốp đang có đợt hiến máu tình nguyện. Không chần chờ, chị xin lãnh đạo đội tranh thủ “chạy” đi hơn 20km để hiến máu. Sau khi trở về, chị tiếp tục đi kiểm tra kỹ thuật. Chị Tâm cười: Nghe hiến máu mà không đi là không được, bất cứ hoàn cảnh nào, giờ nào cũng phải tranh thủ hiến máu xong mới an tâm làm việc khác.

     Không chỉ hiến máu cứu người, hàng ngày tranh thủ lúc cạo mủ hoặc ở nhà là chị vận động công nhân cao su, hàng xóm cùng tham gia hiến máu “Người hiểu thì đồng lòng tán thưởng. Người không hiểu còn khuyên ngược lại mình đừng hiến máu. Bà là công nhân cạo mủ, đi hiến máu nhiều là không tốt do ở trong lô nhiều muỗi. Người ta nói vậy nhưng mười mấy năm qua, chị hiến máu vẫn khỏe ru. Vì hiến máu sẽ giúp chức năng cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên. Tất cả các tế bào hồng cầu mất đi sẽ hoàn toàn được thay thế trong vòng 4 - 8 tuần. Quá trình bổ sung có thể giúp cơ thể làm mới hệ thống và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, cũng như làm việc hiệu quả hơn. Chị Tâm tâm sự.

     Anh Đặng Ngọc Việt một người hàng xóm cho biết: Bà con chúng tôi xung quanh nhà chị Tâm có hàng chục gia đình tham gia hiến máu tình nguyện. Đó là nhờ những lúc rảnh rỗi chị Tâm thường qua vận động, thấy có lợi nên bà con chúng tôi cũng đi hiến máu. Bản thân tôi đã hiến 3 lần và thấy người rất khỏe mạnh. Trước đây bà con chưa hiểu cho là chị rỗi hơi…

     Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị Tâm là ăm 2009, hằng ngày chị thấy một bà cụ chạy xe đạp chở rau củ quả của nhà trồng đi bán. Có lần thấy cụ ngồi nghỉ, hỏi ra cụ bị bệnh tim. Khi đó nhận được 300 ngàn tiền thưởng hiến máu của tỉnh, chị lập tức mua cho cụ 5 kg gạo và gửi cụ 50 ngàn đồng. Thời gian trôi qua, chị không thấy cụ ấy đi bán hàng nữa. Tìm hiểu mới biết cụ đã mất vì bệnh. Mình giúp là giúp những việc nhỏ như vậy, chứ gia đình cũng chỉ đủ sống. Chị Tâm trầm ngâm.

     ĐOÀN KẾT MỘT LÒNG

     Ngồi đếm ngón tay, chị Tâm đọc rỏ tên họ từng người trong gia đình đến 15 người gồm chị, hai đứa con, một ông anh, bốn đứa em gái, 4 đứa cháu ruột, một cháu dâu, hai cháu rể hiến máu tình nguyện. Tổng cộng số lần hiến lên đến 84 lần. Riêng ổng(chồng chị Tâm) là không được hiến máu do huyết cao nêu không thì trọn vẹn cả nhà (cười).

     Em Bùi Thị Ánh Ngọc - Giáo viên trường nầm non Hưng Phước, Bù Đốp (con gái chị Tâm) kể: Thấy mẹ hăng hái đi hiến máu tình nguyện em phấn khởi lắm. Đến nay đã hiến được 6 lần. Nói chung gia đình dòng họ em đều rất đoàn kết giúp đở nhau trong cuộc sống và cả hiến máu cũng đi cả dòng họ.

     Ông Lương Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thiện Hưng cho biết: Trong các buổi họp ở ấp, khu dân cư, chị Tâm thường được mời dự để vận động người dân hiến máu. Nhờ đó phong trào hiến máu tình nguyện ở xã Thiện Hưng luôn đứng đầu huyện Bù Đốp nhiều năm liền.

     Năm 2007, 2009 chị được UBND tỉnh, Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh Bình Phước tặng chị bằng khen “Có thành tích xuất sắc hiến máu tình nguyện năm 2011”. Năm 2011, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen. Năm 2013, chị Tâm được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì “Có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2013”. Góp phần mang lại mạng sống cho nhiều người, chị Phan Thị Tâm và cả gia đình xứng đáng là những bông hoa tươi thắm

 Nguồn: Đức Trọng P.TĐTTVT